Bảo tồn ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), cảnh báo: khoảng một nửa trong số hơn 6.000 ngôn ngữ trên thế giới có nguy cơ biến mất trong thế kỷ 21. Bình quân cứ hai tuần, thế giới mất đi một ngôn ngữ. Việt Nam đang triển khai nhiều biện pháp nhằm giữ gìn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số, nhưng cũng phải giải quyết rất nhiều khó khăn.

Thumbnail

Chữ viết, tiếng nói là một tiêu chí cơ bản để xác định thành phần tộc người và là yếu tố quan trọng nhất để các dân tộc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đài TNVN mỗi ngày có hàng chục chương trình phát thanh bằng 12 thứ tiếng dân tộc thiểu số và hiện đang gấp rút chuẩn bị để sớm đưa vào vận hành kênh phát thanh dân tộc quốc gia. Trên trang web vov4.vn, chúng tôi đã đăng tải toàn bộ nội dung các chương trình phát sóng của 12 thứ ngôn ngữ này hàng ngày. 

Tuy nhiên, để bảo tồn ngôn ngữ của các tộc người thiểu số thì trước hết chính người dân phải truyền dạy ngôn ngữ cho con em mình. Nếu ngay từ trong gia đình mà cha mẹ, ông bà không có ý thức gìn giữ ngôn ngữ, duy trì việc sử dụng hàng ngày cho con cháu, thì không chính quyền hoặc nhà nghiên cứu nào có thể giúp bà con làm sống lại ngôn ngữ của dân tộc mình được.

Bộ sách dạy tiếng Ê đê

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN, tiến sỹ Lê Duy Đại, một chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số, kiến nghị:

-TS Đại: - Nhà nước cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho việc dạy ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. Để các dân tộc phát triển bảo tồn được ngôn ngữ của mình cũng phải kéo dài thời gian học hơn. Như một số dân tộc họ tăng tôi bộ sách giáo khoa thì hiện mới có sách giáo khoa đến lớp 2 lớp 3 thôi. Mà trình độ ngôn ngữ lớp 2 lớp 3,học xong để đó thì dễ quên lắm và lãng phí lắm.

PV: -  Ông vừa nói đến nỗi lo học mà không hành thì lãng phí. Vậy theo ông, chúng ta nên làm gì tiếp theo để việc học ngôn ngữ dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao hơn?

-TS Đại: - Thời gian đào tạo theo tôi phải kéo dài đến hết cấp hai, như cách học song ngữ ấy. Đối tượng đào tạo cũng phải được mở rộng hơn. Đào tạo phải gắn kết nữa. Tức là sau khi học, phải phổ biến cho bà con kiến thức khoa học kỹ thuật bằng tiếng dân tộc của họ. Sách văn học cũng nên dịch ra tiếng các dân tộc. Bên cạnh đó là cần có thêm nhiều đầu báo, phát triển đài phát thanh và truyền hình có nhiều chương trình nói tiếng dân tộc, để bà con đọc, nghe, xem bằng tiếng dân tộc mình thì mới nâng cao trình độ được.

PV: -  Chúng tôi được biết là ngôn ngữ chữ viết của một số dân tộc hiện nay đã được cải tiến cho dễ học, dễ nhớ hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế để hội nhập tốt hơn. Ông đánh giá như thế nào về những sự cải tiến này?

-TS Đại: -  Đúng là một số bộ chữ viết của một số dân tộc thiểu số hiện nay đã được cải tiến cho dễ đọc dễ nhớ. Ví dụ chữ Thái cổ thì rất khó hội  nhập. Giờ cải tiến theo hướng gắn liền với chữ Thái Lan để hai bộ chữ Thái này nhìn có thể đọc lơ lớ. Hoặc chữ Chăm chẳng hạn. Hiện nay chữ Chăm được cải tiến theo mẫu chữ tương tự của Indonexia và Malaysia. Ba bộ chữ này giờ cùng là một nhóm, do đó việc dịch các tài liệu tiếng Chăm dễ dàng hơn rất nhiều.

PV: -  Xin cảm ơn ông!

Theo UNESCO: trong khoảng hơn 6.000 ngôn ngữ đang tồn tại trên thế giới, chỉ có chừng 300-400 ngôn ngữ được truyền lại cho các thế hệ tiếp theo. Các ngôn ngữ còn lại hoặc không được truyền lại, hoặc đang nằm bên bờ của sự tiêu vong.

Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc: hiện cả nước ta có 30 tỉnh tổ chức dạy và học tiếng dân tộc thiểu số; đã biên soạn giáo trình bằng 12 thứ tiếng dân tộc; có hơn 1.200 công trình nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc thiểu số được đưa lên sóng phát thanh-truyền hình. Và đã có khoảng 2.700 trường, lớp học chữ tiếng dân tộc với khoảng 140.000 học sinh theo học.

Theo VOV