Thực trạng sử dụng, phổ biến chữ Mông ở Việt Nam

Ngày 13/12/2014, tại Lào Cai, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cài phối hợp với Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường tổ chức Hội thảo “Chữ Mông Việt Nam: thực trạng sử dụng, phổ biến và vai trò trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.

Thumbnail

Tại Hội thảo, nghiên cứu của các chuyên gia và Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai đều khẳng định: Tiếng nói và chữ viết là một trong nhiều yếu tố thiết yếu góp phần xác lập, cấu thành một dân tộc. Không chỉ là phương tiện giao tiếp, tiếng nói, chữ viết còn là một trong những đặc trưng văn hóa vô cùng quan trọng, góp phần phản ánh, lưu trữ quá trình văn hóa tộc người. Vấn đề bảo tồn, phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc là nhiệm vụ tối quan trọng, là tiền đề cơ sở thực hiện các công tác xây dựng, phát triển kinh tế- xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng....


Hội thảo “Chữ Mông Việt Nam: thực trạng sử dụng, phổ biến và vai trò trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc". Ảnh: KT

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Trong đó dân tộc Mông được coi là một thành viên quan trọng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam. Theo tổng điều tra dân số và nhà ở nước ta từ năm 2009, dân số dân tộc Mông là 1.068.189 người (xếp thứ 8/54 dân tộc). Số lượng người Mông ở Việt Nam không ngừng tăng lên ở những năm gần đây và cư trú ở 62/63 tỉnh thành trong cả nước và tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam bao gồm 5 ngành, tương ứng với 5 phương ngữ khác nhau: Mông Trắng, Mông Hoa, Mông Đỏ, Mông Đen, Mông Xanh. Tuy nhiên, các phương ngữ của những người Mông này không có sự khác biệt nhiều lắm nhưng chữ Mông Trắng (chữ Mông quốc tế) vẫn được sử dụng phổ biến nhất ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới bởi hầu hết người Mông trên thế giới đều thuộc ngành Mông Trắng. So với tiếng Mông thuộc các ngành khác, tiếng Mông trắng nhẹ hơn, dùng đơn giản hơn, do đó nói được dễ hơn, nhanh hơn...
Năm 1961, phương án chữ Mông được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phê chuẩn, được đưa vào sử dụng thống nhất trong cả nước. Bộ chữ Mông này do hai tác giả Nguyễn Văn Chỉnh và Phan Thanh nghiên cứu, biên soạn. Chữ Mông Việt Nam là bộ chữ dựa trên bộ kí tự Latin theo nguyên lý ghi âm, lấy ngữ âm ngành Mông Hoa ở vùng Sa Pa- Lào Cai làm chuẩn, có bổ sung thêm một số âm vị của các ngành Mông khác. Trong những thập kỷ 80, 70 của thế kỷ trước, phong trào học chữ Mông phát triển khá mạnh, ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có đông đồng bào Mông sinh sống. Đến nay, do nhiều nguyên nhân, tình hình học chữ Mông đã không còn phát triển. Hiện một số trí thức người Mông vẫn đang sử dụng loại chữ này trong các ghi chép, nghiên cứu về người Mông.

Nguyên nhân chính khiến chữ Mông Việt Nam hiện nay không được người dân sử dụng và phát triển, vì chữ Mông Việt Nam vẫn còn một số khiếm khuyết gây khó khăn cho người sử dụng. Hệ thống chữ này có quá nhiều kí hiệu ghi các biến thể khác nhau của một âm vị, có kí hiệu ghi một số âm chỉ có ở từ vay mượn, chỉ tồn tại ở một số vùng hoặc chỉ có một số người phát âm được, còn đa số người Mông lại không hề biết đến. Một khiếm khuyết khác làm cho nhiều người Mông băn khoăn là về cách biệt quá xa giữa chữ Mông với chữ Quốc ngữ, biểu hiện ở chỗ chữ Mông sử dụng chữ cái để ghi thanh điệu, việc này khiến cho người sử dụng có những nhầm lẫn trong việc phân biệt chữ cái ghi âm với chữ cái ghi thanh điệu... Bởi có những bất hợp lý như vậy, một số nhà nghiên cứu, cách đây vài chục năm đã có những đề nghị cải tiến chữ Mông, nhưng cho đến nay công việc này vẫn chưa được tiến hành.

Khoảng chục năm trở lại đây, việc dạy học và phổ biến tiếng Mông đã bắt đầu được quan tâm trở lại, đặc biệt từ khi có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có quyết định ban hành chương trình dạy tiếng Mông cho cán bộ, công chức. Tuy nhiên, trên thực tế việc giảng dạy chữ Mông còn nhiều bất cập, chưa có giáo trình thống nhất, chỗ sử dụng tiếng Mông Việt Nam, nơi khác lại sử dụng chữ Mông quốc tế....

Tuy nhiên qua tìm hiểu, nghiên cứu, hiện nay chữ Mông quốc tế được sử dụng khá rộng rãi và người dân rất thích học vì dễ viết, dễ đọc, đánh máy tính dễ dàng, phù hợp với xã hội hiện đại. Người học có thể tự học, tự khai thác tài liệu dạy học tiếng Mông trên mạng Internet một cách dễ dàng. Việc cập nhật thông tin và giao lưu quốc tế trong cộng đồng người Mông trên thế giới sẽ thuận tiện hơn.....

Căn cứ vào thực trạng việc sử dụng và phổ biến chữ Mông ở Việt Nam như vậy, TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết, trong thời gian tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai sẽ có kiến nghị lên các bộ, ban, ngành, cơ quan chức năng đề nghị được đưa tiếng Mông quốc tế chính thức vào giảng dạy và phổ biến ở Việt Nam./.

(Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)