Hoạt động thực tế chuyên môn lớp tiếng Mông K6 tại thôn Khuôn Bổ xã Hồng Ca
Hoạt động kiểm tra thực tế chuyên môn của đơn vị tổ chức đào tạo là một phần quan trọng trong quá trình đào tạo của trường Đại học Khoa học đối với chương trình đào tạo bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số. Thực hiện theo kế hoạch đào tạo, vừa qua, đoàn kiểm tra của Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo Ngôn ngữ và Văn hoá các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc đã tổ chức kiểm tra quá trình đi thực tế chuyên môn của học viên lớp Tiếng Mông K6 tại thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Tại huyện Trấn Yên, người Mông sống tập trung ở hai xã Hồng Ca và Kiên Thành, trong đó phần lớn đồng bào phân bố ở các thôn Hồng Lâu, Khuôn Bổ, Khe Tiến, Khe Ron của xã Hồng Ca. Riêng xóm khuôn bổ 100% đều là người Mông. Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và chính quyền địa phương, trong những năm gần đây, đời sống đồng bào tại xóm Khuôn Bổ nói riêng và xã Hồng Ca nói chung đã có nhiều khởi sắc. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp đa dạng hơn, ngoài trồng lúa, trồng ngô đồng bào thôn Khuôn Bổ còn trồng thêm Quế, măng Bát Độ, trồng dâu nuôi tằm và trồng cây ăn quả. Đời sống đồng bào phát triển và vẫn lưu giữ được các nét văn hoá truyền thống của dân tộc từ tiếng nói cho đến các nghề truyền thống như trồng lanh dệt vải. Do đó, xóm Khuôn Bổ là một lựa chọn lý tưởng để các học viên lớp Tiếng Mông K6 lựa chọn thực tế chuyên môn.
Theo nguyện vọng đăng ký, nhóm học viên thực tế chuyên môn tại xóm Khuôn Bổ được phân công tìm hiểu về chủ đề hoạt động sản xuất của người Mông. Trong chuyến thực tế này, các học viên đã có cơ hội giao tiếp trực tiếp với người dân địa phương tại thực địa. Trong quá trình “ ba cùng” với bà con, các học viên đã được thực hành và vận dụng các kỹ năng ngôn ngữ học trên lớp vào hoạt động thực tiễn trồng trọt, hoạt động trồng lanh dệt vải.
(Học viên tham gia cấy lúa với đồng bào thôn Khuôn Bổ)
(Học viên tìm hiểu về nghề trồng lanh dệt vải của đồng bào thôn Khuôn Bổ)
Mặc dù đồng bào Mông tại xóm Khuôn Bổ chủ yếu nói phương ngữ Mông Hoa, tạo ra chút khó khăn trong quá trình giao tiếp song các học viên đã cố gắng lắng nghe để hiểu và truyền đạt lại thông tin của mình.
Trong mỗi chuyến thực tế, các học viên luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng bào từ việc tham gia các hoạt động lao động sản xuất và sinh hoạt cho đến hướng dẫn học viên vận dụng ngôn ngữ phát triển kỹ năng giao tiếp và tìm hiểu văn hoá truyền thống của đồng bào. Điều này đã giúp các học viên nâng cao kỹ năng ngôn ngữ, có thêm nhiều trải nghiệm quý báu, từ đó các học viên cũng tự tin hơn khi giao tiếp bằng tiếng Mông với bà con người Mông tại địa bàn mà các học viên công tác./.
Thào Xí
Tin tức mới nhất
- Khai giảng lớp tiếng Tày ở Yên Bái (19/08/2024 09:33)