Tinh thần học tiếng Mông của các chiến sĩ quân hàm xanh

Là những sĩ quan quân nhân chuyên nghiệp công tác tại các vùng trọng yếu, địa bàn có đồng bào dân tộc Mông sinh sống tại tỉnh Hà Giang, mỗi chiến sĩ quân hàm xanh luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc học tiếng Mông bởi hơn ai hết họ hiểu rằng ngôn ngữ chính là phương tiện hữu hiệu nhất để giúp gắn kết tình quân dân.

Thumbnail

Việc học để biết nói tiếng Mông giúp các chiến sĩ biên phòng gần dân, hiểu dân qua đó tăng cường sự đoàn kết giữa đồng bào và lực lượng vũ trang, giúp các chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn trên địa bàn mình công tác và quan trọng hơn nữa là góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông.

Từ năm 2023 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo ngôn ngữ và văn hoá các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc đã tham gia liên kết đào tạo tiếng Mông cùng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà giang được 2 lớp học tiếng Mông dành cho đối tượng là các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp chưa biết nói tiếng Mông và 01 lớp học Bồi dưỡng nâng cao tiếng Mông cho đối tượng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã biết nói tiếng Mông ở mức độ cơ bản. Tổng số học viên tham gia đào tạo là 180 học viên.

Trong các khoá đào tạo, bồi dưỡng ở cả hai lớp các chiến sĩ quân hàm xanh cũng luôn tích cực tham gia học tập, đặc biệt qua các chương trình thực tế chuyên môn tại cơ sở mỗi đồng chí đều vận dụng tốt những vốn từ đã học để thực hành giao tiếp với đồng bào.

Theo chương trình được quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chiến sĩ được học 450 tiết, trong đó 300 tiết lý thuyết và 150 tiết thực tế chuyên môn, mỗi khoá học kéo dài 4 tháng. Trong khoảng thời gian đó, ấn tượng mà khó quên nhất có lẽ chính là khoảng thời gian thực tế chuyên môn. Các chiến sĩ được thực tế thực tập ngay tại địa bàn đơn vị đóng quân. Có những chiến sĩ trẻ lần đầu tiếp cận với ngôn ngữ tiếng Mông, lần đầu lên công tác tại biên cương nhưng rất say mê học tiếng Mông và đạt được kết quả tốt như: Thượng uý Nguyễn Văn Thuận, Đại uý Lục Văn Chuyên ở đồn biên phòng Xín Cái. Có những chiến sĩ nhiều năm công tác với đồng bào nói tiếng Mông như tiếng mẹ đẻ, thậm chí còn biết hát cả dân ca như: Thiếu Tá Nguyễn Hữu Dậu đồn biên phòng Thanh Thuỷ, Thiếu Tá Đoàn Đình Minh, đồn biên phòng Nghĩa Thuận, thiếu Tá Đỗ Ngọc Tấn đồn biên phòng Xín Cái…

Đối với các chiến sĩ quân hàm xanh, việc học tiếng không chỉ là một kỹ năng cần thiết mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi chiến sĩ biên phòng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Mỗi khoá học có thể không dài nhưng đủ để các chiến sĩ giao tiếp cơ bản với đồng bào dân tộc thiểu số, giúp các chiến sĩ biên phòng thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn, từ việc tuần tra, kiểm soát đến việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước cho đồng bào vùng biên. Mặt khác, việc học được tiếng nói, chữ viết của đồng bào sẽ giúp các chiến sĩ hiểu thêm về văn hoá của đồng bào từ đó không chỉ xây dựng được lòng tin ở dân mà còn thể hiện sự tôn trọng, trân trọng văn hoá với người dân địa phương để cùng hỗ trợ nhau, góp phần vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định khu vực biên giới./.

Thào Xí