Dạy tiếng Tày ở Trung tâm Nghiên cứu – Đào tạo Ngôn ngữ và Văn hóa các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên

Ở Việt Nam, tiếng Tày là ngôn ngữ của gần hai triệu người Tày. Ngoài ra, đây còn là ngôn ngữ giao tiếp chung của nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống ở vùng Việt Bắc và Tây Bắc. Vì vậy, việc giảng dạy và sử dụng ngôn ngữ ở các vùng dân tộc thiểu số (DTTS) đã được đặt ra từ lâu theo Chỉ thị 38/2004/ CT-TTg về việc đầy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS đối với cán bộ công chức đang công tác ở vùng dân tộc, miền núi, được kí ngày 09/11/2004 củaThủ tướng Chính phủ.

Thumbnail

Từ những năm 20 của thế kỉ XX, cùng với sự phổ biến của chữ Quốc ngữ, tiếng Tày được Latinh hóa bằng cách dùng chữ cái Latinh để ghi âm. Năm1961, Chính phủ đã phê chuẩn tại Nghị định 206/CP Phương án chữ Tày – Nùng (Latinh hóa), loại chữ viết ghi âm dựa trên cơ sở chữ Quốc ngữ.

Khoảng hơn mười năm trở lại đây, sau khi thực hiện Nghị định số 82/2010/NĐ – CP của Chính phủ,vấn đề giảng dạy nội ngữ ở nước ta chủ yếu ở các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 8 chương trình tiếng DTTS dạy học ở trường phổ thông, như: Bahnar, Chăm, Khmer, Ê đê, Jrai, Mnông, Mông,Thái. Trường Đại học Trà Vinh được phép đào tạo trình độ cử nhân tiếng DTTS. Ngày 29/6/2023 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định việc tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng DTTS cho Trường Đại học Khoa học,
Đại học Thái Nguyên. Thực hiện nhiệm vụ chính trị là Trung tâm Nghiên cứu – Đào tạo Ngôn ngữ và Văn hóa các DTTS vùng núi phía Bắc. Vì thế, để việc giảng dạy tiếng DTTS cần được tiếp tục đẩy mạnh và hoàn thiện hơn. Chỉ có sự phối hợp đồng bộ và nỗ lực không ngừng, Việt Nam mới có thể bảo tồn và phát huy ngôn ngữ, văn hoá, góp phần vào sự phát triển bền vững và toàn diện của đất nước.

Việc giảng dạy tiếng Tày ở trung tâm vừa phục vụ nhu cầu bảo tồn văn hoá và ngôn ngữ dân tộc vừa cung cấp kiến thức về ngôn ngữ này cho người học để áp dụng vào thực tiễn công việc ở các địa phương có đồng bào sinh sống. Nội dung chương trình học tiếng Tày bao gồm có 43 bài học, được thiết kế theo cấp độ từ cơ bản đến mở rộng. Các bài học được thiết kế logic với nhau, bài trước là cơ sở liên quan đến nội dung của bài sau. Trong 20 bài cơ sở ở phần đầu, chú trọng về hệ thống ngữ âm, cách phát âm các nguyên âm, phụ âm và các thanh điệu tiếng Tày. Nội dung này khá cơ bản cung cấp cho người học nắm vững để có thể học tập. Các bài học đều giới thiệu các cấu trúc ngữ pháp cơ bản, cách câu tạo câu, từ loại và các quy tắc ngữ pháp cơ bản. Hơn thế nữa, trong những nội dung này trong quá trình giảng dạy, giảng viên đều giới thiệu về điểm giống và khác nhau giữa tiếng Tày và tiếng Việt để người học dễ hình dung và so sánh để hiểu hơn. Chủ đề nội dung các bài học: cách chào hỏi và giới thiệu bản thân, số đếm, từ nói về đơn vị, thời gian, các vật dụng, vật nuôi trong gia đình, các bộ phận của cơ thể con người, chăm sóc sức khoẻ, giúp đỡ người khó khăn, công việc thường nhật, hỏi và chỉ đường, đi chợ, tình cảm con người, thời tiết…Những chủ đề này đơn giản, gần gũi cho người mới học tiếp cận tiếng Tày. Ở phần mở rộng có 23 bài học thể hiện sự nâng cao dần kiến thức về từ mới và ngữ pháp với những câu phức tạp hơn. Lượng từ vựng được mở rộng, các thành ngữ liên quan đến nội dung bài học đều được giới thiệu ở cuối bài đọc. Song song với việc học từ, ngữ pháp, học viên cũng được giảng viên giới thiệu về văn hoá, lịch sử và các phong tục tập quán của người Tày ở các địa phương liên quan đến: những nghề truyền thống, kinh nghiệm sản xuất, làng bản, nhà cửa, ẩm thực, trang phục, phong tục tập quán… Ở phần cuối mở rộng, nội dung liên quan đến các chủ đề xây dựng đời sống văn hoá, các anh hùng cách mạng, bác Hồ với đồng bào DTTS, vẻ đẹp của những danh lam thắng cảnh ở vùng người Tày sinh sống…

Qua những bài học đó, người học vừa được học nhiều về ngôn ngữ vừa được hiểu sâu về văn hoá người Tày. Hơn thế nữa, nội dung giảng dạy cũng bỏ sung thêm những phần mới liên quan đến thực tiễn đời sống, góp phần tăng thêm kiến thức cho người học về công tác áp dụng tại địa phương làm việc. Những bài cuối trong phần mở rộng, học viên được học các cấu trúc ngữ pháp phức tạp hơn so với những bài trước. Ở phần này, học viên được rèn kĩ năng viết cùng với các quy tắc ngữ pháp thường gặp trong tiếng Tày. Kết thúc chương trình học, học viên có thể thành thạo bốn kĩ năng nghe – nói – đọc – viết để có thể giao tiếp bằng tiếng Tày cơ bản với đồng bào dân tộc một cách tự tin và trôi chảy. Vừa có thể giao tiếp vừa am hiểu văn hoá dân tộc, học viên tốt nghiệp về công tác ở các địa phương rất thuận lợi trong quá trình triển khai công việc chuyên môn của mình giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội…

2.3. Một số phương pháp giảng dạy nội ngữ - tiếng Tày
2.3.1. Phương pháp giao tiếp trực tiếp

Có thể nói, trong việc học ngoại ngữ hay nội ngữ, đây chính là phương pháp có thể sử dụng ngôn ngữ trong các tình huống giao tiếp cụ thể và hiệu quả nhất. Sử dụng phương pháp này, người học vừa được học trực tiếp vừa được khuyến khích tham gia vào các hoạt động nói và nghe, giúp họ sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt và tự tin. Giảng viên tổ chức giảng dạy bằng các hoạt động cho học viên tương tác với nhau, thảo luận nhóm nhỏ (3 – 5 người) và cho chủ đề nhỏ để học viên thuyết trình (thời gian 3 – 5 phút). Đối với phương pháp này, giảng viên đưa ra các chủ đề liên quan đến đời sống thường ngày của người Tày để học viên thực hành.

2.3.2. Phương pháp nghe – nói

Tiếng Tày là ngôn ngữ đơn âm tiết, ngữ điệu khó phát âm hơn so với tiếng Việt. Vì thế, khi học tiếng Tày người học sẽ cảm thấy kĩ năng nói là khó nhất trong bốn kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết trong việc học ngôn ngữ mới. Do đó, để có thể có thể nói được tiếng Tày, người học cần phải rèn kĩ năng nghe trước. Giảng viên đưa ra các đoạn hội thoại, đoạn văn ngắn cho người học nghe đi nghe lại. Sau đó, người học luyện nói bằng cách lặp lại từng từ, từng cụm từ, từng câu ngắn rồi mới đến câu dài. Điều cần lưu ý trong phương pháp này là việc giảng viên cần phải chú trọng vào việc luyện tập cho người học phần ngữ âm và ngữ điệu thật chuẩn. Vì chỉ cần nói không chuẩn ngữ điệu, nghĩa của tiếng Tày sẽ thay đổi, làm cho người nghe hiểu lầm ý người nói. Hoặc nếu nói không chuẩn ngữ điệu, lưỡi sẽ bị líu lại, không phát âm được tiếp những từ tiếp theo. Đó là thực tế rất thường gặp trong quá trình giảng dạy và học tập tiếng Tày – một nội ngữ có đặc điểm nghe dễ nhưng nói lại rất khó đối với người học.

2.3.3. Phương pháp dịch từ tiếng Tày sang tiếng Việt và ngược lại

Trong quá trình học tập, giảng viên đóng vai trò là người trung gian giữa 2 ngôn ngữ đồng thời cũng là người truyền tải văn hoá để cho người học hiểu được ngôn ngữ, văn hoá mà mình đang theo học. Với đặc trưng tiếng Tày là đơn âm tiết, việc ghép từ, cụm từ cũng giống như tiếng Việt nhưng tuỳ từng tình huống và hoàn cảnh cụ thể, nghĩa của câu có thể không giống như dịch từng từ. Vì thế, để việc dịch đúng giữa hai ngôn ngữ này đòi hỏi người giảng viên phải am hiểu ngôn ngữ và văn hóa của hai dân tộc rất sâu sắc mới có thể giải thích được cho học viên trong quá trình học tập, tránh những hiểu lầm về văn hoá không đáng có. Thực tế cho thấy, có những câu tiếng Tày có nhưng tiếng Việt không có hoặc ngược lại; Hoặc văn hoá của người Tày có những hành động, lời nói, cử chỉ có thể chấp nhận được nhưng trong văn hoá của người Việt lại không… Do đó, trong quá trình giảng dạy và học tập, giảng viên vừa phân tích ngữ pháp, giảng dạy các quy tắc, việc áp dụng văn hoá vào việc dịch và viết câu là điều vô cùng quan trọng và cần thiết.

2.3.4. Phương pháp giảng dạy trực tiếp bằng các công cụ trực quan sinh động

Trong toàn bộ quá trình giảng dạy, với mỗi chủ đề bài học giảng viên sử dụng các hình ảnh, đồ vật, vật dụng liên quan đến đời sống văn hoá của đồng bào Tày để giải thích từ vựng và văn hoá. Đây có thể nói là phần nội dung khá sinh động và hấp dẫn đối với người học. Họ được quan sát trực tiếp, được nghe giải thích cặn kẽ, cụ thể, tỉ mỉ về toàn bộ tri thức văn hoá của người Tày thông qua từng nội dung bài học. Điều này sẽ làm cho học viên khắc sâu, ghi nhớ lâu hơn. Giảng viên cũng vừa giảng dạy vừa đặt ra cac câu hỏi liên quan để từ đó, người học có được những phản ứng các kĩ năng trong quá trình học nội ngữ.

2.3.5. Phương pháp sử dụng các công nghệ thông tin ứng dụng

Điều chúng ta không thể phủ nhận hiệu quả tích cực của việc sử dụng các công nghệ thông tin ứng dụng trong việc học ngoại ngữ ngày nay ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Nhờ công nghệ mà thế giới xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn. Việc sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy nội ngữ cũng không nằm ngoài xu thế đó. Công nghệ hỗ trợ người học mọi lúc mọi nơi. Chính vì tính tiện ích đó, giảng viên sử dụng các video, bài hát cả truyền thống và hiện đại… liên quan đến đời sống văn hoá cuả người Tày ở các địa phương để giảng dạy. Bản thân người học cũng sử dụng phần mềm công nghệ để thực hành các kĩ năng thành thạo. Ngoài ra, việc đưa thêm các tài liệu lên các trang mạng làm cơ sở dữ liệu để người học có thể dễ dàng tiếp cận và tìm kiếm thông tin cho việc học tập và nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá Tày cũng là một phương pháp hữu hiệu và tiện ích.

2.3.6. Phương pháp dự án

Đây được coi là phương pháp có hình thức dạy học đáp ứng được mục tiêu đổi mới phương pháp giảng dạy, trong đó có việc giảng dạy nội ngữ ở Trung tâm. Với phương pháp này, giảng viên đưa ra yêu cầu chia lớp thành các nhóm nhỏ thực hiện các chủ đề thực tế liên quan đến nội dung học tập. Mỗi nhóm có thể thực hiện blog, báo cáo đoạn phim ngắn, video tiktok… trên các trang mạng xã hội để lan toả sự yêu thích và say mê học tập và nghiên cứu tiếng Tày. Sử dụng phương pháp này, học viên sẽ tạo ra nhiều sản phẩm và giới thiệu cho cộng đồng những người yêu thích say mê tiếng Tày.
Ngoài ra, giảng viên cũng đưa ra các chủ đề cụ thể liên quan đến nội dung bài học để cho các thành viên nhóm thực hiện thuyết trình bằng tiếng Tày trước lớp. Phương pháp này có thể áp dụng vào phần học mở rộng, khi người học đã có được những khả năng thể hiện bốn kĩ năng cơ bản trong quá trình học tập. Việc tổ chức các trò chơi liên quan đến các nội dung bài học cũng gây sự hứng thú, phấn khích, say mê đối với các học viên sau mỗi giờ học ngữ pháp, từ vựng căng thẳng. Ngoài ra, việc thành lập các câu lạc bộ yêu thích tiếng Tày, bao gồm người học và đồng bào Tày cũng được nhân rộng.

2.3.7. Phương pháp điền dã thực địa vùng đồng bào DTTS

Với việc học một ngôn ngữ mới, không gì hiệu quả hơn bằng việc cho người học đến tận nơi có tộc người đó sinh sống. Người học được sống trong không gian văn hoá, giao tiếp trực tiếp với những chủ thể văn hoá bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Thông qua một loạt các hoạt động cùng giao tiếp, cùng lao động sản xuất, người học được tắm mình trong môi trường ngôn ngữ và văn hoá đó. Điều này buộc người học sẽ phải tự vận động khả năng ngôn ngữ của mình để đạt được hiệu quả cao nhất. Vì thế, sau những giờ học trực tiếp trên lớp, người học được tham quan học tập thực tế tại các làng bản truyền thống của người Tày.

3. Kết luận

Hiện nay, việc giảng dạy nội ngữ trong đó có tiếng Tày là một bước đi quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Hy vọng rằng, ngày càng có nhiều người quan tâm tới việc nghiên cứu giảng dạy và đào tạo nội ngữ - tiếng DTTS để có thêm nhiều tài liệu học tập đa dạng; nhiều đội ngũ giảng dạy có kĩ năng và kiến thức; nhiều sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức giáo dục với cộng đồng DTTS để phát triển chương trình giảng dạy; nhiều các hoạt động, sự kiện văn hoá liên quan tộc người DTTS được tổ chức.

TS. Đàm Thị Tấm