Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên mở mã ngành mới về ngôn ngữ văn hoá dân tộc thiểu số

Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên vừa công bố mở mã ngành đào tạo Ngôn ngữ và Văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đây là mã ngành đào tạo mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực phục vụ công tác giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số và công tác văn hoá dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Thumbnail

Đào tạo tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) tại trường Đại học Khoa học đã bắt đầu từ năm 2011 khi thành lập Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo Ngôn Ngữ và Văn hoá các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc theo Thông tư số 36/2012/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 10 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức dạy học, kiểm tra và cấp chứng chỉ tiếng DTTS và gần đây nhất là Thông tư số 09/2023/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 04 năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc  tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng DTTS. Xuất phát từ nhu cầu xã hội về nhân lực của ngành đào tạo, song song với quá trình đào tạo các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, trung hạn về ngôn ngữ và văn hoá DTTS , trường Đại học Khoa hoc – Đại học Thái Nguyên đã chính thức đưa tiếng DTTS vào đào tạo hệ đại học với tư cách là một mã ngành. 

Chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ và văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam sẽ đào tạo cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ các DTTS, sử dụng tiếng DTTS thành thạo như một ngôn ngữ thứ hai; có kiến thức sâu cũng như thêm niềm tự hào về giá trị của nền văn hoá dân tộc nói chung và nền văn hoá các DTTS nói riêng, đồng thời cung cấp cho sinh viên các kỹ năng cần thiết để thực hiện các chương trình, hoạt động nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực ngôn ngữ và văn hoá các DTTS.   

Tổng số tín chỉ trong chương trình học của mã ngành là 125 tín chỉ. Đào tạo trong thời gian 3,5 năm. Tổ hợp các môn thi và xét tuyển gồm: Ngữ văn, Toán, T.Anh (D01); Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí (C00); Ngữ văn, Toán, GDCD (C14); Toán, GDCD, Tiếng Anh (D84).

Nói về nhu cầu nhân lực ngành Ngôn ngữ và văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam, các chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng trước yêu cầu phát triển của đất nước và vùng DTTS trong bối cảnh mới để cán bộ, công chức, viên chức hoạt động trong lĩnh vực này được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hệ thống chính trị, bảo đảm nguồn lực để thực hiện chính sách thì cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, đáp ứng yêu cầu tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Do đó, việc thực hiện chương trình đào tạo này là nhu cầu cấp thiết, khả thi trong bối cảnh đất nước đang biến đổi theo hướng đa dạng văn hoá, hội nhập quốc tế.

Nhận định về cơ hội việc làm đối với sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ và Văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, cơ hội nghề nghiệp đối với sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này khá rộng mở khi tiếng DTTS trở thành một trong hai học phần tự chọn với số lượng tiết khá lớn từ cấp Tiểu học đến cấp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 được quy định tại Thông tư 32/2018/TT – BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Do đó, cần phải có đội ngũ lớn giáo viên được đào tạo kịp thời và lâu dài. Người học tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ và Văn hóa DTTS sẽ đáp ứng nhu cầu lớn giáo viên dạy tiếng tại các trường phổ thông trên địa bàn có đồng bào DTTS sinh sống và lựa chọn tiếng DTTS như một môn học.

Đối với chương trình đào tạo này, sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ có cơ hội việc làm tại nhiều cơ quan như: Ủy ban dân tộc miền núi, Viện dân tộc học, Bảo tàng dân tộc học…hoặc có thể làm việc ở mảng văn hóa tại cơ quan cấp Trung ương, địa phương, hoặc được quy hoạch làm cán bộ quản lý ở sở văn hóa các tỉnh, địa phương. Ban dân tộc, Ban tôn giáo, Ban dân vận hoặc có thể làm ở các đài truyền hình, hoạt động trong lĩnh vực báo chí, các trung tâm xúc tiến du lịch của địa phương, làm hướng dẫn viên du lịch…  Bên cạnh đó, nếu sinh viên tốt nghiệp là người DTTS có thể vận dụng kiến thức để bảo tồn những đặc trưng văn hóa DTTS, duy trì và phát triển loại hình văn hóa ở các địa phương khác nhau; kết nối với những công ty du lịch nhằm tổ chức các sự kiện quảng bá về văn hóa DTTS.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Trường Đại học Khoa học tin rằng mã ngành Ngôn ngữ và văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội học tập và nghề nghiệp cho sinh viên./.

Thào Xí