Gửi gắm tình yêu dân tộc Dao vào giáo trình dạy tiếng

Ngày 9/12 vừa rồi, tiến sĩ Đặng Phúc Lường, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên, đã bảo vệ thành công trước Hội đồng Thẩm định giáo trình nội ngữ cuốn Giáo trình học tiếng Dao. Công trình được biên soạn theo sự đặt hàng của Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo ngôn ngữ và văn hoá các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc, thuộc trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên. Hơn 120 trang bản thảo là những tình cảm sâu nặng ông dành cho dân tộc Dao Đỏ của mình.

Thumbnail

Ngày 9/12 vừa rồi, tiến sĩ Đặng Phúc Lường, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên, đã bảo vệ thành công trước Hội đồng Thẩm định giáo trình nội ngữ cuốn Giáo trình học tiếng Dao. Công trình được biên soạn theo sự đặt hàng của Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo ngôn ngữ và văn hoá các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc, thuộc trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên. Hơn 120 trang bản thảo là những tình cảm sâu nặng ông dành cho dân tộc Dao Đỏ của mình.

Ông Đặng Phúc Lường (ôm hoa) tại buổi bảo vệ Giáo trình học tiếng Dao (9/10/2012)

Sự hồ hởi của ông khi khoe với chúng tôi về sự kiện này đã chứng tỏ rằng ông đang rất hài lòng. Ông là vậy, không hề giấu giếm cảm xúc, luôn hể hả và chia sẻ với mọi người về những việc mình đã, đang và sẽ làm. Đấy là từ khi tôi được biết ông với cương vị Chi hội trưởng, rồi Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số tỉnh. Còn trước đây, khi là một Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Thái, rồi Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Kạn thì không biết ông có thế? Nhưng tôi nghĩ, bản tính con người ta, dù ở đâu, bao giờ và làm gì thì cũng vẫn vậy thôi. Điều mà tôi dễ nhận thấy nhất từ ông, đó là một tình yêu dân tộc vô bờ - dân tộc Dao Đỏ của ông. Yêu một cách hồn nhiên, và say sưa...

Được tỉnh phân cho một căn phòng tại tầng ba (khu nhà B Tỉnh ủy), sát với Hội Văn nghệ, để làm trụ sở của Hội, cứ thứ ba và thứ sáu hằng tuần, tiến sĩ Đặng Phúc Lường lại tòng teng túi thổ cẩm trên vai, cưỡi xe đạp điện (trông giống một nghệ sĩ hơn một nhà khoa học), đến trực. Gọi là trực (cho có vẻ đi làm), chứ thực ra, Chủ tịch chỉ đến chờ xem có hội viên nào yêu quý Hội ghé chơi, còn những việc sự vụ lặt vặt, đã có nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khánh Hạ - ủy viên Thường trực Hội, gánh tuốt. Và chính cái thời gian hai buổi sáng mỗi tuần ấy, đã cho bọn "lau nhau" (cách gọi thân mật lớp trẻ của cơ quan Văn phòng Hội Văn nghệ) chúng tôi hiểu thêm được về ông.

Cái tình yêu dân tộc một cách hồn nhiên của ông nó được thể hiện ở mỗi lời nói và việc làm. Trong mọi câu chuyện, mỗi khi có cơ hội, ông đều khéo léo và hào hứng giới thiệu về dân tộc mình. Say sưa nghiên cứu văn hóa Dao, đặc biệt là các nghi lễ tín ngưỡng cấp sắc 3 đèn, 7 đèn cho đàn ông Dao đến tuổi trưởng thành, ông nắm chắc và thuộc làu như lòng bàn tay. Năm ngoái, ông còn kì công dùng máy ghi hình cá nhân quay lại toàn bộ lễ hội cấp sắc của người Dao, như một bộ phim tư liệu về văn hóa dân gian. Và từ khi có ''công trình'' ấy, cứ hễ đến Hội trực, việc đầu tiên sau khi mở cửa phòng, ông tiến lại phía chiếc đầu đĩa, ấn nút khởi động, và rất nhanh sau đó, một giai điệu não nề của kèn phằn tỵ (gần giống kèn đám ma của người Kinh!) réo rắt khắp căn phòng, tràn ngập cả tầng ba. Có hôm, ông cao hứng, vặn vô - lum hơi quá tay, âm thanh tràn xuống cả các tầng dưới, khiến mọi người nhớn nhác hỏi nhau: Đám ma ở đâu mà gần thế nhỉ?! Mấy anh em trong Hội lại được mẻ cười vỡ bụng, còn lũ ''lau nhau'' thì được thể kêu toáng lên: ''Cụ ơi, cụ cho bé xuống không có mọi người đang tưởng có đám kia kìa!''. Vậy là ông cười, nửa như khoái chí, nửa như nhận lỗi. Và lần sau lại thế, nhưng cũng chả ai trách ông, mọi người đều chấp nhận như một lẽ đương nhiên và cái âm thanh đó đã được mặc định về sự có mặt của ông Lường tại nhiệm sở.

Ông là người dễ dãi, cái sự dễ dãi của một người già biết thông cảm với lớp trẻ, thành ra nhiều lúc, có vẻ như bọn trẻ hay quá chớn với ông (cũng là chỉ trêu đùa tếu táo, chứ chả đứa nào dám hỗn). Ông mặc kệ, coi như không thấy sự ''láo toét'' ấy, chỉ cười xòa, thỉnh thoảng đi công tác đâu về cũng khoe và lại có quà phần bọn chúng. Chính cái sự dễ dãi ấy đã kéo bọn trẻ lại gần với ông. Lúc thì chúng rủ nhau sang phòng ông uống cà phê, lúc thì để nghe hoặc xem những thứ ông vừa sưu tầm được. Cũng có khi mấy cậu phóng viên vừa tác nghiệp tại cơ sở về, tranh thủ hỏi ông mấy từ dân tộc cho chuẩn. Tóm lại, nhiều lúc ông như một cuốn sách để bọn trẻ tham khảo.

Ông sinh vào cuối những năm ba mươi của thế kỉ trước, tại xã Sĩ Bình, huyện Bạch Thông tỉnh Bắc Kạn. Hết phổ thông, ông học tiếp lên và được Nhà nước cho đi học tại nước ngoài rồi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hóa học. Vậy mà cả đời ông cứ đau đáu một nỗi niềm với văn hóa Dao. Trước đây, ông đã từng nung nấu ý định viết một cuốn dạng sổ tay học tiếng Dao để phục vụ cho các hướng dẫn viên du lịch và phát thanh viên, vì ông thấy còn có khá nhiều nhà thơ dân tộc Dao, khi sáng tác phải dùng chữ quốc ngữ phiên âm Dao để ghi chép lại những sáng tác của mình, người khác đọc không hiểu được bao nhiêu; rồi các phát thanh viên cũng phải tự viết, tự đọc chưa có sự thống nhất về dịch thuật. Trong khi đó, người Dao có cả một kho tàng sách cổ Nôm Dao (òn Nàm Dặng) nội dung phong phú về nhiều lĩnh vực mà chưa được khai thác, chính thế hệ con cháu người Dao ngày nay cũng chưa biết. Vậy mà chưa thực hiện được. May sao, sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo ngôn ngữ và văn hoá các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc  đã mang đến cho ông một cơ hội “vàng” để ông có thể viết lại được cuốn giáo trình này sau hơn 50 năm nung nấu, dày công sưu tầm, biên soạn.

Giáo trình Học tiếng Dao (Sâu tộ miền vạ) gồm có 33 bài, tương ứng với ba trăm đến bốn trăm năm mươi tiết học. Từ ngữ trong giáo trình chủ yếu là ngôn ngữ nói, hạn chế dùng các từ chuyên môn, vì phải vay mượn tiếng Việt. Dùng ngôn ngữ nói giúp người học dễ hiểu, đồng thời khi giao tiếp với bà con dân tộc cũng hiệu quả hơn. Nếu học tốt, hết chương trình, người học sẽ đọc thông viết thạo và giao tiếp được với bà con. Ngoài phần giới thiệu về dân tộc Dao, tiếng nói và chữ viết; giáo trình được soạn theo chín chủ đề: Gặp gỡ - chào hỏi, Gia đình, Làng bản - quê hương, Thời gian và không gian, Thiên nhiên - môi trường, Sản xuất, Học tập, Sức khỏe và Văn hóa truyền thống. Có thể thấy rằng, ngoài học tiếng, giáo trình còn giúp người học hiểu thêm về vốn văn hóa dân tộc Dao. Thật là tiện cả đôi đường.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giáo trình sơ bộ. Ông Lường cho biết, ông sẽ còn phải dụng công nhiều để chỉnh sửa và bổ sung thêm hình ảnh minh họa, thậm chí cả video clip cho sinh động, hấp dẫn và dễ nhớ. Rồi ông lại kể ra một loạt dự định xung quanh vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc Dao Đỏ của ông. Đã qua tuổi bẩy mươi mấy mùa xuân rồi, nhưng xem ra ông vẫn còn nhiều đam mê lắm. Nhìn lại sự nghiệp gìn giữ văn hóa dân tộc của mình, (Công trình nghiên cứu khoa học về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của người Dao tỉnh Bắc Thái (năm 1995); xuất bản tập thơ ''Nhớ rừng'' - song ngữ Dao - Việt; xuất bản tập truyện cổ dân tộc Dao ''Quả bầu vàng'' - sưu tầm), ông thật thà: ''Cũng chưa là gì cả, chỉ vì yêu thích mà làm thôi. Nhưng qua tất cả những việc ấy, nhất là cuốn giáo trình này, chỉ mong muốn và hy vọng được mọi người, nhất là thế hệ mai sau đọc, để biết, để gìn giữ và bảo tồn. Vì nếu không chú ý, sẽ bị mai một đi nhiều đấy. Như nhà tôi đây, hai đứa con vẫn còn nói được, nhưng đến các cháu là chịu rồi, vì chúng sinh ra và lớn lên ở thành phố. Cuốn giáo trình này, tôi đã nhân bản ra và cho mỗi con, cháu một quyển để tôi dạy chúng học. Tuy nhiên, mong muốn của tôi còn nhiều hơn thế, đó là chữ Dao, văn hóa Dao còn được cả cộng đồng đón nhận và tìm hiểu.''

Theo lời ông, tôi giở cuốn Giáo trình Học tiếng Dao ông tặng, đọc: ''Muầy bế kiằn chây, chẩu n'ắng hải coóng tú Miền vạ lống n'ắng nại? (Anh là người Kinh, làm thế nào anh nói tiếng Dao giỏi như vậy?) ''Zia tộ coóng Miền vạ làu zá!'' (Vì tôi học tiếng Dao lâu rồi!). Cũng thú vị! Và nếu độc giả nào muốn học tiếng Dao và tìm hiểu văn hóa dân tộc Dao, xin mời tìm đến với tiến sĩ Đặng Phúc Lường, ông sẽ truyền cho bạn tình yêu và niềm đam mê.

Theo Văn nghệ Thái Nguyên