Không khí sôi nổi trong chuyến thực tế của các chiến sĩ công an tỉnh Yên Bái

Vừa qua, các chiến sĩ công an lớp tiếng Mông và tiếng Dao của Công an tỉnh Yên Bái liên kết đào tạo với Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo ngôn ngữ và Văn hoá các DTTS vùng núi phía Bắc thuộc trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên đã có các hoạt động thực tế chuyên môn tại các địa phương có đồng bào dân tộc Mông và dân tộc Dao sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Thumbnail

Theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của công an tỉnh Yên Bái, đối tượng được bồi dưỡng, đào tạo tiếng DTTS là lực lượng công an xã công tác tại các địa phương có các dân tộc thiểu là người Mông và người Dao cư trú chiếm tỉ lệ cao. Cụ thể là cán bộ, chiến sĩ công an các địa phương thuộc huyện Yên Bình, huyện Lục Yên, huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Do công tác tại những địa bàn thuộc vùng sâu vùng xa của huyện nên các cán bộ chiến sĩ công an đã phải khắc phục rất nhiều khó khăn về khoảng cách để tham gia học tập. Có những đồng chí phải mất nhiều giờ di chuyển từ địa bàn công tác đến lớp học do đường giao thông khó khăn.

Kết thúc phần học lý thuyết trên lớp, lớp học bước vào giai đoạn thực tế thực tập tại địa phương từ 10 đến 15 ngày. Mặc dù bận rộn với công việc song các chiến sĩ công an của hai lớp tiếng Mông và tiếng Dao vẫn không quên nhiệm vụ, hăng say đi thực tế tại các bản của người Mông, người Dao để thực hành tiếng, giúp đỡ đồng bào dọn dẹp đường làng ngõ xóm. Với phương châm thực tế “ba cùng”, các chiến sĩ công an xã thuộc Công an tỉnh Yên Bái không chỉ được thực hành tiếng Mông, tiếng Dao trong không gian lớp học thực địa mà còn để lại rất nhiều ấn tượng tốt đẹp với bà con tại địa phương thực tế.

(Các chiến sĩ công an lớp tiếng Dao thực tế tại Thôn 2 Túc - Phúc Lợi - Lục Yên - Yên Bái)

(Các chiến sĩ công an lớp tiếng Mông thực tế tại thôn Khe Kẹn - Cát Thịnh -  Văn Chấn - Yên Bái)

(Các chiến sĩ công an lớp tiếng Mông thực tế tại thôn Bản Mới - Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái)

(Các chiến sĩ công an lớp tiếng Dao thực tế tạị thôn Kim Long, xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái)

Những nụ cười tươi trên môi đồng bào và các chiến sĩ càng cho ta thấy tình cảm sâu sắc giữa tình quân dân. Để có được tình cảm ấy, có được sự gần gũi ấy thì việc biết tiếng của đồng bào đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Bởi ngôn ngữ chính là phương tiện hữu hiệu nhất để gắn kết hơn tình quân dân./.