Hoạt động hưởng ứng 68 năm “NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ” (27/7/1947 – 27/7/2015)

Chiến tranh đã qua đi, đất nước đã được hòa bình, nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại thì không gì có thể bù đắp được. Chính vì thế, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh và người có công với cách mạng. Ngày 27/7 đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn nhắc nhở mọi người về truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây". Việc tổ chức kỷ niệm Ngày thương binh - liệt sỹ hằng năm phản ánh sự tri ân của Đảng, Nhà nước và

Thumbnail

Ý thức được trách nhiệm cao cả đó, trong những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu – Đào tạo ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc thuộc Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Để có được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ Trung tâm còn có sự chung tay, đóng góp quý báu của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.

Hướng tới kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2015), Trung tâm Nghiên cứu – Đào tạo ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc tổ chức kêu gọi, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa nhằm hỗ trợ gia đình chính sách, gia đình người có công với cách mạng còn gặp nhiều khó khăn tại xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

* Người thương binh hạng 2/4 - Tàn nhưng không phế

Ông Hứa Duy Tản, xóm Đồng Chăm, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên từ chiến trường trở về với một cơ thể không lành lặn nhưng người thương binh này vẫn luôn cố gắng sống theo tinh thần “tàn nhưng không phế”. Nước da ngăm đen bởi khói lửa chiến tranh cùng với những nếp nhăn thời gian trên gương mặt cho thấy sự khắc khổ, từng trải của ông, nhưng không vì thế mà ánh mắt ông tắt đi niềm vui lấp lánh khi được nói chuyện về chiến trường, về đồng đội cũ.

Thương binh hạng 2/4 - Hứa Duy Tản

Nghị lực của người chiến sĩ cách mạng mang đến cho ông sức mạnh để chiến đấu với những cơn đau từ cơ thể thương tích, và chiến đấu với cả những bất hạnh cuộc đời khi mà người vợ yêu thương đã thủy chung với ông nhưng năm bom đạn nay lại mắc bệnh nan y ung thư phối. Hai vợ chồng gia nương tựa vào nhau, người chỉ còn một chân nay lại phải làm chỗ dựa cho người từng ngày giành giật với cuộc sống từ tay thần chết. Cuộc sống đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn với một người đã hy sinh một phần cơ thể nơi chiến trường.

Mấy con gà và vài sào ruộng là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Hứa Duy Tản

* Mẹ liệt sĩ Đàm Thị Phình – Hai bà cháu rau cháo nuôi nhau sống qua ngày

Trường hợp gia đình chính sách thứ hai là mẹ liệt sĩ Đàm Thị Phình, 86 tuổi, ở xóm La Thông, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Sinh ra được 7 người con, 2 trai và 5 gái, các cô con gái lập gia đình ở xa, yên phận nhà chồng, mẹ Phình những tưởng sẽ có 2 cậu con trai để trông cậy tuổi già. Thế nhưng, anh con trai cả Phùng Văn Đức hy sinh ở Lào năm 1978, người còn trai thứ hai đoản mệnh, đã mất do bệnh hiểm nghèo để lại người vợ trẻ và cậu con trai còn nhỏ tuổi.

Mẹ liệt sĩ Đàm Thị Phình và cháu nội Phùng Văn Trung

Cuộc sống ở vùng quê nông nghiệp vất vả, thiếu thốn, người con dâu phải bươn trải sang Trung Quốc làm thuê. Hiện nay, Mẹ sống với cháu nội duy nhất Phùng Văn Trung – năm nay học lớp 12 trường THPT Trần Quốc Tuấn.

Nơi sinh sống của hai bà cháu

Tiền hỗ trợ chính sách hàng tháng được hơn 1.3 triệu chỉ đủ để lo cho cháu trai đang tuổi ăn tuổi lớn, tuổi học hành, thi cử, mẹ Phình gần 90 tuổi vẫn phải còng lưng mưu sinh, sống hết đoạn đời nhiều chông gai, lam lũ…

* Thương binh Hoàng Quốc Chuẩn - Âm ỉ những vết thương

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tuềnh toàng, thương binh Hoàng Quốc Chuẩn (xóm Đồng Chăm, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) kể về những câu chuyện chiến đấu cùng đồng đội với một nỗi niềm tự hào khôn xiết.

Rời chiến trường trở về với gia đình cùng thương tật 4/4, ông cố gắng bươn trải nhiều nghề để lo toan cho cuộc sống gia đình. Hiện nay, mọi chi tiêu trong gia đình chỉ dựa vào đồng lương thương binh ít ỏi và thu nhập hạn hẹp từ vài sào ruộng.

Ông Hoàng Quốc Chuẩn và cô con gái khuyết tật trí tuệ

Cô con gái Hoàng Thị Bình (sinh năm 1982), do di chứng chiến tranh từ bố nên từ khi sinh ra đã mắc khuyết tật nặng, thiểu năng trí tuệ. Mọi hy vọng, tự hào ông dành trọn cho người con trai nối nghiệp cha theo nghề lính. Thế nhưng niềm hy vọng cuối cùng của người lính già cũng bị số phận dập tắt. Năm 2013, khi đang trực gác, chàng trai trẻ đột ngột ra đi, chôn vùi theo bao ước mơ, hy vọng của cả gia đình.

Vết thương thể xác thì ít, vết thương tinh thần thì nhiều, thế nhưng người thương binh này vẫn không bao giờ nguôi ý chí của người bộ đội cụ Hồ. 

Mọi sự quan tâm, hỗ trợ, đóng góp của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh vui lòng gửi về:

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU - ĐÀO TẠO NGÔN NGỮ & VĂN HÓA DÂN TỘC THIỂU SỐ VÙNG NÚI PHÍA BẮC

Trụ sở: Phòng 106, Nhà Hiệu bộ, trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên, xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên.

Điện thoại: (0280) 3606. 636  

Fax: (0280) 374.6965

Email: miennuiphiabac.dhkh@gmail.com

Tài khoản: 05700013455588 Tại Ngân hàng Seabank chi nhánh Thái Nguyên (Địa chỉ: Số 65, đường Hoàng Văn Thụ, phường Phan Đình Phùng, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên)

Nhóm thực hiện: Triệu Châu, Đàm Tấm, Đình Hải